Theo đó tại sự kiện, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội công nhận tư cách thành viên đối với Hội Bonsai 1977, đồng thời vinh danh 77 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, bể đá cổ đặc sắc tham dự Triển lãm cây cảnh nghệ thuật, bể đá cổ năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cho biết, kể từ khi hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh được Chính phủ công nhận là một trong 7 ngành kinh tế phát triển nông thôn theo Nghị định số 52 năm 2018 và Sinh Vật Cảnh là một trong 6 nhóm ngành được xem xét công nhận sản phẩm OCOP, hoạt động Sinh Vật Cảnh ngày càng được các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp quan tâm.
“UBND Thành phố Hà Nội vừa có quyết định tổ chức Festival Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội mở rộng vào tháng 9 năm 2024 với sự tham gia của 63 tỉnh/thành và có mời số tổ chức Sinh Vật Cảnh quốc tế có phong trào mạnh. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của Thành phố cũng đang trình Thành phố cho thí điểm tổ chức phong tặng nghệ nhân hoa, cây cảnh cấp thành phố trong 03 năm 2024, 2025 và 2026. Chính vì vậy, sự kiện ra Lễ ra mặt Hội Bonsai 1977 và khai mạc Triển lãm cây cảnh nghệ thuật, bể đá cổ năm 2024 có một ý nghĩa đặc biệt để hướng tới sự kiện quan trọng nêu trên…”, nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ chia sẻ.
Còn theo GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam thì đến nay cả nước có trên 50.000 ha chuyên canh hoa cây cảnh, riêng Hà Nội đến hết năm 2023 có trên 8.100 ha tạo ra giá trị hơn 7000 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích trồng hoa cây cảnh phân tán, cùng với giá trị cây cảnh nghệ thuật trong các hộ gia đình còn lớn hơn rất nhiều. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật và bể đá cổ tại Triển lãm cây cảnh nghệ thuật, bể đá cảnh năm 2024 do Hội Bonsai 1977 tổ chức hôm nay đã hội tụ nhiều kiệt tác tinh hoa triệu đô. Sân chơi hôm nay thật xứng tầm là sân chơi triệu đô của một thế hệ vàng đầy năng động. Phát triển Sinh Vật Cảnh đối với Hà Nội là các thành phố lớn đã trở thành động lực để thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.
“Mục tiêu của Đề án phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam đến 2030 là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50 - 55 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 75 nghìn tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD; Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm; Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận…”, GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết.
Nhân dịp này, thay mặt các thành viên Hội Bonsai 1977, ông Nguyễn Minh Dưỡng - Chủ tịch Hội Bonsai 1977 cảm ơn Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội vừa có quyết định bảo trợ và công nhận tư cách thành viên đối với Hội Cây cảnh, Bonsai 1977.
"Chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội không chỉ là cầu nối vững chắc để kết nối niềm đam mê Cây cảnh, Bonsai giữa những anh chị em nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn trong Hội Bonsai 1977, mà còn hỗ trợ chúng tôi kết nối với giới Sinh Vật Cảnh cả nước, Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong những định hướng phát triển. Chúng tôi rất mong được hai Hội quan tâm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp chính đáng cho chúng tôi, nhất là việc hỗ trợ tạo các sân chơi giao lưu phát triển lành mạnh và có các hình thức tôn vinh, khen thưởng, phong tặng danh hiệu nghệ nhân cây cảnh, bonsai bình đẳng như các ngành khác theo Nghị định số 52 năm 2018 của Chính phủ…”, ông Nguyễn Minh Dưỡng đề nghị.
Dưới đây là một số hình ảnh tại sự kiện
Quyết Tuấn